Tác giả: Mục Khanh Y
Chuyển ngữ: GV
Chương 07
Sau khi giờ làm việc buổi chiều bắt đầu, tôi và Lưu Ly đã đi viếng nhà mẹ đẻ Lý Mai. Nhà của Lý Tín Như tuy là nhà cũ, nhưng bên trong được trang trí rất tinh tế, bày biện cũng rất nhã trí. So với bên đó thì nhà mẹ đẻ Lý Mai đúng là một sự đối lập rõ rệt. Nó nằm trong khu nhà ở cao cấp nổi tiếng nhất thành phố, có thể nói là một trong những tòa nhà đắt đỏ nhất thành phố. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được chính thức vào đây tham quan. Điều kiện của tiểu khu rất tốt, đường sá sạch sẽ, cây cối xum xuê. Phần lớn các hộ gia đình đi lại trong này đều ăn mặc rất đẹp. Dù gì thì mua nổi nhà ở đây đã là một sự biểu trưng giai cấp rồi.
Bảo vệ ở đây cũng rất đáng tin. Bác bảo vệ thấp người là lính giải ngũ dưới quê, cầm giấy tờ của tôi và Lưu Ly soi tới soi lui một hồi. Rồi lại sau một phen hỗn loạn nào là đăng ký nào là gọi điện thoại thông báo chủ hộ, bác mới thả chúng tôi vào.
“Nếu Lý Tín Như sống ở đây, có lẽ đã không dễ dàng bị giết một cách thần không biết quỷ không hay như thế rồi.”- Lưu Ly không khỏi cảm khái.
“Cái đó cũng khó nói.” -Tôi bảo: “Cái này phải xem hung thủ là ai.”
Vì đã được bảo vệ thông báo trước nên cánh cửa sắt nhà Lý Mai đã rộng mở sẵn. Tôi vừa bước vào đã nghe thấy một mùi hương rất kỳ lạ, có chút giống mùi thức ăn bị ôi lẫn với mùi nhang đèn trong chùa chiền.
Thứ đầu tiên đập vào mắt là bức “Mãn thiên thần phật” được vẽ bằng mực tàu. Vật bắt mắt nhất trong phòng khách là cái khám thờ to tướng kia. Tầng trên cùng thờ một pho tượng Như Lai đang mỉm cười phúc hậu, hai bên ngài lần lượt là Nam Hải Quan Âm và Tiếu Di Lặc, dưới một chút nữa là tứ đại thiên vương xuân hạ thu đông. Trước khám thờ đặt hai cây nhang điện màu đỏ phát ra thứ ánh sáng yếu ớt và một cái lư hương đầy ắp hương tro, có ba nén nhang vẫn chưa tắt.
Bên trong căn nhà không được lớn lắm, ngoài cái khám thờ đặc biệt công phu kia, những thứ khác đều được trang trí rất đơn giản. Sàn đá mài, tường trắng, đèn huỳnh quang trắng, chính giữa còn treo một cái quạt trần cũ kỹ ố vàng. Trong nhà, đồ đạc chất đống ngổn ngang, giấy báo chất thành một chồng cao ngất, chắc là chuẩn bị đem đi bán ve chai. Trong góc nhà còn đặt mấy lon Coca rỗng. Trên kỷ trà, những hộp bánh bích quy xếp chồng lên nhau, còn có vài lọ thuốc viên được chất chung với chúng.
Một bên phòng khách nối liền với phòng ăn. Trong phòng ăn đặt một chiếc bàn gỗ hình vuông, trông cũng đã cổ xưa lắm rồi. Mấy chiếc ghế đẩu bốn chân được xếp ngay ngắn dưới bàn. Trên bàn, chiếc lồng nhựa màu xanh lá cây đang đậy lên mấy chiếc dĩa. Tôi đoán cái mùi thức ăn ôi thiu mà tôi nghe thấy chắc là bốc ra từ đây.
Bố mẹ Lý Mai đều đã trên dưới 60 tuổi, nhưng trông ít nhất cũng phải bảy mươi rồi. Cha chị ngày xưa là công nhân xưởng thép, khuôn mặt đen thui thô ráp, đậm người, tuy đã trải qua đủ mọi sương gió của cuộc sống nhưng tinh thần trông vẫn sung mãn. Mẹ Lý Mai giống con gái, đều là kiểu phụ nữ nhỏ gầy, nhưng mặt bà nhọn và ốm hơn, hằn đầy nếp nhăn như táo tàu phơi khô. Viền mắt của bà Lý hơi đỏ, có thể thấy là vừa mới khóc xong. Nhưng ông Lý lại có chút thờ ơ. Tôi cứ có cảm giác tuy ông đã cố tỏ ra trầm tĩnh nhưng trong vô thức vẫn hay để lộ sự cởi mở nóng nảy đặc trưng của giai cấp công nhân.
“Chuyện của Tín Như, chúng tôi đều biết cả rồi. Nói đi, các anh chị đến đây có việc gì?” -Ông nói rất thẳng. Thường thì khi tiếp xúc với cảnh sát, người ta luôn có chút tâm lý đề phòng. Thế nên tôi trưng ra bộ mặt tươi cười:
“Cũng không có việc gì quan trọng. Chỉ là điều tra bình thường cho đúng thông lệ thôi.”
“Gì? Thông lệ gì?”
Tôi thoáng ngớ ra.
Chương 08
Lưu Ly bên cạnh tôi lanh lợi đáp: “Chính là tình trạng khi còn sống của con rể ông, ông Lý ạ.”
“Ừ, ừ, ngồi, ngồi.” -Ông vừa chỉ vào chiếc ghế mây khổ dài được đặt trong phòng khách thay cho sofa, vừa nói với chúng tôi. Rồi ông lập tức ngồi xuống chiếc ghế hóng mát bằng tre đối diện, vợ ông đứng ngay bên cạnh.
“Uống trà đi, này, rót trà rót trà.” -Ông mời mọc.
Mẹ Lý Mai vâng theo, chúng tôi vội nói không cần không cần.
Thế là bà lại đứng yên ở đấy.
“Tôi muốn hỏi han một chút,” -Tôi đi thẳng vào vấn đề, “Lý Tin Như kết hôn với con gái ông vào khoảng thời gian nào?”
“Lâu lắm rồi.” -Ông lão suy ngẫm rồi nói, “Lúc nào đấy nhỉ? Lúc Tiểu Mai vừa tốt nghiệp cấp ba thì phải?… Này, bà nói có đúng không?” -Ông đột nhiên hỏi người vợ bên cạnh.
“Đúng, gần mười năm rồi. Tiểu Mai kết hôn lúc mười chín tuổi. Lúc đó còn có người bảo là nó kết hôn sớm quá, không phù hợp với yêu cầu cưới trễ của nhà nước.” -Bà Lý đáp.
“Lúc đó ông bà tán thành hay phản đối hôn sự này?”
“Đám trẻ bây giờ còn ai quan tâm lời nói của bố mẹ? Phản đối thì sao? Tán thành thì sao? Giờ được tự do yêu đương mà.”
“Thế có nghĩa là ông bà phản đối?”
“Cũng không phải thế.” -Ông lão kể lể dông dài, “Tín Như, thằng bé đó cũng tốt lắm. Tiểu Mai nhà chúng tôi lấy được tấm chồng tốt hơn rất nhiều đứa bạn của nó. Thằng bé đó chỉ bị cái tính cách hơi u ám và ít nói, nó mà xụ mặt ngồi đó thì hệt như lôi công. Không ai rõ rốt cuộc trong lòng nó đang nghĩ gì.”
Chuyện này cũng dễ hiểu. Lý Tín Như được hưởng nền giáo dục bậc cao, thuộc tầng lớp tinh anh của xã hội, có lẽ không có chủ đề gì để nói với đôi vợ chồng già thuộc giai cấp công nhân mà trình độ văn hóa cũng chẳng cao này.
“Họ có hay về đây không?”
“Tiểu Mai về thường xuyên hơn một chút, Lý Tín Như thì ít về.”
“Quan hệ của hai vợ chồng họ thế nào?”
Ông lão nhìn tôi một cái. Lúc ấy trong đôi mắt già nua vẩn đục của ông thoáng lóe lên một sự xảo quyệt của nhân dân lao động.
“Cũng tốt lắm.” -Ông đáp.
“Chưa bao giờ cãi nhau?”
Ông trầm ngâm một lát: “Sao có thể thế được? Có đôi vợ chồng nào không cãi nhau đâu chứ. Nhưng vợ chồng mà, đầu giường đánh nhau cuối giường làm lành. Tôi và mẹ Lý Mai…”
Chúng tôi nhẫn nại nghe ông kể chuyện xưa, về những cuộc võ đấu không điểm dừng của ông và mẹ Lý Mai thời trẻ. Tôi lại hỏi: “Lần cuối cùng họ cãi nhau là khi nào?”
“Lâu lắm rồi.” -Ông đáp lời tôi một cách thản nhiên, thậm chí có chút đắc ý: “Hơn một năm trước thì phải.”
Quả là rất lâu rồi. Tôi nghĩ nếu cặp vợ chồng nào có thể duy trì một năm không cãi nhau thì đó mới là chuyện lạ.
“Vì chuyện gì ạ?” -Lưu Ly bên cạnh tôi hỏi.
Ông Lý bỗng câm nín, bà Lý ở bên cạnh nhanh chóng đáp: “Xời, vợ chồng trẻ cãi nhau còn có thể vì chuyện gì nữa? Toàn mấy chuyện vừng mè đậu xanh vặt vãnh, ai mà nhớ chứ.”
Nói xong, bà nhìn chồng bà một cái.
Lưu Ly thì nhìn bà đầy suy tư.
Xem ra cảm giác của nàng và tôi giống nhau rồi. Tôi cảm thấy họ chưa nói sự thật, dường như đang che giấu điều gì đó.
“Sau khi cãi nhau xong, Lý Mai đã chạy về nhà ngoại ạ?”
“Ừ.”
“Thế có lần nào họ cãi nhau xong mà Lý Mai không về nhà ngoại nên hai bác không biết không?”
Bà Lý trả lời rất chắc cú: “Không có.”
Bà lại liếc mắt nhìn sang ông Lý bên cạnh.
Xem ra bà có vẻ hơi sợ chồng mình, hễ nói chuyện xong là lại nhìn ông một cái.
“Sau đó, chuyện ấy được giải quyết như thế nào?” -Lưu Ly nói, “Ý tôi là sau khi Lý Mai đã về nhà ngoại.”
“Sau đó Tín Như đã cất công chạy đến nhà chúng tôi một chuyến để đón Tiểu Mai về.”
“Từ đó về sau thì không cãi nhau nữa ạ?”
Bà Lý vẫn câu nói đó: “Tình cảm vợ chồng chúng nó rất tốt.”
Lưu Ly quan sát xung quanh.
“Phải rồi, chẳng phải Lý Mai còn một đứa em gái sao? Em nó không ở nhà ạ?”
“À, nó sang nhà bạn chơi rồi.” -Ông Lý nói
“Nghe Lý Mai kể em nó vừa tốt nghiệp đại học chưa tìm được việc?”
“Bây giờ khó tìm việc lắm.” -Nhắc đến vấn đề công việc của con gái, ông Lý rầu rĩ ngay lập tức: “Thanh niên chúng nó lại ngại khổ, “trên không tới, dưới không chơi”, suốt ngày chỉ biết ở nhà. Bố mẹ đâu thể nuôi nó cả đời cơ chứ.”
“Anh rể em nó là luật sư, chắc hẳn quen biết rất nhiều bạn bè.” -Tôi nói: “Sao lúc còn sống anh ta không nghĩ đến chuyện đỡ đần?”
Chương 09
Ông lão không nói, nhấc tách trà tráng men lên nhấp một ngụm. Ông và bà Lý chẳng ai nhìn ai lấy một cái. Nhưng cảm giác của tôi lại càng mãnh liệt hơn, dường như họ đang che giấu điều gì. Lúc này, điện thoại Lưu Ly réo lên. Nàng bắt điện thoại: “Tôi đây. Vâng… Vâng… Được, tôi biết rồi. Cảm ơn anh.”
Sau khi Lưu Ly gọi điện xong, chúng tôi đều im lặng một lát.
“Có nhớ ra chuyện gì đặc biệt để nói với chúng tôi không?” Tôi hỏi.
Họ lắc đầu mấy cái.
Tôi và Lưu Ly đứng dậy. “Vậy chúng tôi xin cáo từ trước. Sau này có thể sẽ đến làm phiền ông bà nữa.”
“Không sao không sao.” -Ông đồng ý lia lịa.
“Phải rồi, nhà đẹp lắm.” -Tôi nói: “Điều kiện khu này không tệ.”
Nhắc đến nhà cửa, ông lão lại kiêu ngạo hẳn lên, những lời khoe mẽ thế này chắc chắn ông đã nói không chỉ một lần: “Đúng là không tệ. Vừa an ninh, vừa yên tĩnh. Có điều phí quản lý đắt quá! Mỗi mét vuông thu một đồng hai hào, mặt bằng diện tích nhà chúng tôi gần một trăm mét vuông, một tháng phải đóng cả trăm mấy tệ…”
Tôi phụ hoa theo lời của ông, sau đó lại hỏi: “Chắc ông bà mới dọn đến chưa bao lâu nhỉ?”
“Làm gì có, dọn đến đã hơn một năm rồi.”
“Ồ, nhà trông hãy còn rất mới, cứ như vừa sửa sang xong.”
Lưu Ly khen bừa: “Ông bà chăm sóc nhà cửa khéo thật đấy.”
Lúc này chúng tôi đã bước ra đến cửa. Tôi đột nhiên hỏi: “Nhà này do Lý Tín Như mua phải không?”
Ông Lý bỗng dưng lại một nữa im lặng. Nhưng có lẽ ông thấy phủ nhận cũng không ích gì, chúng tôi vẫn có thể lần ra như thường. Thế nên ông thừa nhận: “Phải.”
Bà Lý lại đứng phía sau bổ sung: “Nó là một đứa con ngoan hiếu thảo.”
“Cảm ơn sự hợp tác của ông bà, tạm biệt.”
Cánh cửa sắt khép lại. Lưu Ly giậm chân thật mạnh để tạo ra những tiếng bước chân xa xăm, sau đó đột nhiên nhón mũi chân lên chạy ào về đó, lẳng lặng ghé tai lắng nghe. Tôi bấm nút thang máy rồi đợi Lưu Ly quay lại. Trong tháng máy, tôi hỏi nàng: “Nghe thấy gì?”
“Chẳng nghe thấy gì cả.” -Lưu Ly đáp, “Trong nhà lặng im như tờ.”
“Vừa rồi bên giám định có đồng nghiệp gọi điện tới bảo thuốc mà cậu nộp lên đã có kết quả xét nghiệm rồi.” -Lưu Ly lại nói: “Túi màu xanh đúng là Viagra thật. Túi màu trắng là một loại thuốc ngủ nặng đô.”
“Thuốc ngủ thì không có gì, luật sư phải động não quá độ, khó tránh khỏi mấy bệnh nghề nghiệp như mất ngủ.” -Tôi lẩm bẩm: “Nhưng một thanh niên 37 tuổi mà cần xài Viagra?”
“Chuyện đó có gì lạ đâu, có lẽ nỗi niềm khó nói của Lý Tín Như là liệt dương cũng nên?”
“…”
“Còn nữa, cậu đồng nghiệp bên giám định bảo đã xác định được hung khí rồi.”
“Ồ? Là vật gì?”
“Chính là con dao dưa hấu treo trong nhà bếp của Lý Tín Như. Độ dài và độ sâu hoàn toàn tương thích với hung khí đã tạo ra vết thương. Nhưng trên đó không có dấu vân tay nào cả. Nó đã bị kẻ khác rửa sạch sành sanh rồi.”
“Ý cô là sau khí giết người hung thủ đã ung dung rửa sạch hung khí sau đó treo trở về chỗ cũ?”
“Trông có vẻ như vậy.”
“Lý Mai nói gì?”
“Chuyện này thú vị lắm.” -Lưu Ly chớp mắt mấy cái: “Tiền của trong nhà Lý Tín Như chẳng mất xu nào. Ở đây đã có thể loại bỏ khả năng bị kẻ trộm hành hung vì chẳng những không mất thứ gì mà còn thừa ra một thứ.”
“Thứ gì?”
“Chính là con dao dưa hấu kia.” -Lưu Ly nói, “Theo như những gì Lý Mai nói thì con dao dưa hấu đó đã biến mất được một khoảng thời gian rồi, chị ta cũng không biết tại sao nó lại xuất hiện ở hiện trường vụ án. Ban đầu chị ta còn định mua một con dao mới, nhưng vì bây giờ đang là mùa đông, hiếm khi dùng đến dao dưa hấu nên chuyện đó đã bị gác lại đến tận bây giờ.”
Chả lẽ đâm bằng dao dưa hấu thật =)))
TTvTT làm ngừi ta thấp thỏm quyết đợi tới khuya, hóa ra đã úp ngay r thích quá hí hí :3
LikeLiked by 1 person
Cái hung khí y như vũ khí chém thuê (:v:) Khuya làm phát nữa =)))
LikeLike
khuya rồi chế ơi :v
LikeLike
Định đợi nữa đêm mò vô coi, ai de linh tính mách bảo =)))))))))
Thấy ngay chương mới, hóng mấy chap tối nay tiếp =)))))))))
LikeLiked by 1 person
Chỉ update khi bạn đã ngủ =))
LikeLike