Động cơ giết người 70-72

Tác giả: Mục Khanh Y

Chuyển ngữ: GV

Chương 70

 

Ngày thứ ba, tuyến phòng ngự của Lý Mai cuối cùng cũng xuất hiện sơ hở.

 

Chị ta đã thừa nhận biết chuyện của Chu Khiết Khiết. Nói theo cách của chị thì tuy không biết ả đàn bà đó tên gì, nhưng chị biết có một ả đàn bà như thế tồn tại, chị cũng biết Lý Tín Như đang cho tiền ả ấy.

 

“Thế nên chị hận anh ta, muốn giết anh ta?”

 

Lý Mai khóc rống lên một cách mất kiểm soát.

 

“Tôi không hận anh ấy, tôi cũng không giết anh ấy.” -Chị ta nói: “Có lẽ lúc đầu tôi đã từng hận, nhưng về sau thì tôi đã không hận nữa, tôi quen rồi. Dù các anh có tin hay không, tôi đã quen rồi! Anh ấy có làm thế nào cũng chẳng sao nữa, tôi chỉ muốn sống cuộc sống của tôi một cách yên ổn! Tại sao anh ấy lại chết vào lúc này chứ? Tại sao tôi đã như thế rồi, mà anh ấy vẫn muốn hủy hoại cuộc sống của tôi?’

 

“Cô của Lý Tín Như nói chị từng nhìn Lý Tín Như bằng thứ ánh mắt vô cùng đáng sợ. Những lúc ấy, chị đang nghĩ gì?”

 

“Tôi… tôi không nhớ nữa.” -Chị ta nói: “Tôi thừa nhận tôi từng hận anh ấy. Nhưng tôi chưa bao giờ muốn anh ấy phải chết! Tôi không dám, đến con gà tôi còn chẳng dám giết!”

 

“Chuyện đó cũng khó nói lắm. Chị đâu có hận con gà.” -Tôi không chút lung lay: “Khi chị biết chuyện Chu Khiết Khiết, chị có từng nghĩ đến chuyện giết chết anh ta không?”

 

“Không. Tôi đã nói tôi quen rồi. Đấy chẳng qua là một người đàn bà khác của anh ấy mà thôi. Dù không có cô ta thì cũng sẽ có những người khác. Anh ấy lúc nào cũng thế, tôi bó tay rồi, tôi không quản nổi anh ấy. Không phải tôi chưa từng thử, mà là tôi bó tay. Tiền đều là do anh ấy kiếm. Mọi thứ đều nằm trong tay anh ấy. Tôi có thể làm được gì?”

 

Tôi từng gặp mẹ Lý Mai trong cục công an mấy lần.

 

Lúc trước tôi chỉ nhớ bà là một người phụ nữ lớn tuổi rụt rè vô cùng nhu mì. Tôi từng thấy cảnh bà vừa đi vừa lau nước mắt. Quả nhiên đúng như lời Lý Nhiễm nói, “đến khóc cũng không một tiếng động”. Nhưng lần này, khi bà nhìn thấy tôi, ngay trước cửa văn phòng chúng tôi, ngay giữa chốn đông người, bà quỳ huỵch xuống một cái trước mặt tôi. Tôi hoảng sợ đến hồn lạc phách bay, ra sức kéo bà dậy. Bà nặng trịch như một quả cân, một mực không chịu đứng dậy. Bà vừa rơi lệ vừa kéo góc quần tôi: “Đồng chí cảnh sát ơi, con gái tôi không giết người, con gái tôi không giết người~~~”

 

Tôi tá hỏa đến mức không biết làm sao cho phải, hoảng loạn nhìn quanh thì các đồng chí xung quanh đều cười hì hì như đang xem kịch. Cái  lũ khốn nạn này, không ai thèm sang giúp tôi một cái. Sau này nghĩ lại, có lẽ không ai trong số họ dám sang, vì ai dây vào cũng không thoát thân nổi. Bà lão này trông có vẻ tinh thần không được bình thường cho lắm. Nếu đổi lại là tôi, chắc cũng chỉ cười hì hì đứng một bên hóng hớt.

 

Lưu Ly vốn cũng đang đứng cười đằng xa, nhưng không chịu được ánh mắt cầu cứu của tôi nên chạy sang đỡ bà ấy dậy. Kết quả là bà xoay người một cái, lại dập đầu lia lịa với Lưu Ly: “Đồng chí cảnh sát ơi, con gái tôi thực sự không giết người mà. Anh chị thả nó ra đi, anh chị thả nó ra đi. Tôi cầu xin anh chị, tôi dập đầu cho anh chị!”

 

Lần này đến lượt Lưu Ly mặt mũi đỏ bừng. Một bà lão còn lớn tuổi hơn cả mẹ bạn quỳ trước mặt bạn vừa gọi bạn là “thanh thiên” vừa dập đầu cho bạn. Nàng cũng như tôi, vẫn còn quá trẻ, không biết phải xử lý thế nào. Đến cuối cùng, suýt nữa là nàng quỳ ngược trở lại trước mặt cụ bà này.

 

Trò hề này kéo dài mãi cho đến khi trưởng ban đại nhân của chúng tôi ra mặt mời bà vào phòng trưởng ban mới xem như kết thúc.

 

Bà ở trong phòng trưởng ban hết một buổi chiều, cuối cùng mới vừa lau nước mắt vừa được trưởng ban chúng tôi nửa dỗ nửa khuyên tiễn về. Chúng tôi không biết trưởng ban đã giải quyết bà lão ngu dốt khó chơi này bằng cách nào. Nhưng từ đấy trưởng ban đã có mỹ danh “sát thủ bà nội trợ”.

 

Tôi từng nghe câu chuyện về mẹ lừa dám đi đá sói để bảo vệ con mình. Vở “Cản đường kêu oan” của bà lão chiều nay cũng không kém cạnh gì.

 

Bà đã mang lại cho cuộc sống phá án vô vị của chúng tôi một buổi chiều đầy tiếng cười nói vui vẻ. Các đồng nghiệp bàn tán nồng nhiệt về cảnh tượng vừa rồi, bàn tán về sự vụng về và hoảng hốt của tôi và Lưu Ly. Họ nói sống động như thật, giễu cợt thỏa thích.

 

Tôi và Lưu Ly buộc phải rời khỏi văn phòng như đang tháo chạy.

 

Trên đường đi, tôi không khỏi cảm khái: “Tình mẹ thật quá đáng sợ.”

 

Lưu Ly dường như vẫn chưa hết sợ hãi, gật đầu lia lịa.

 

Bấy giờ gặp ngay lúc vị Sát thủ bà nội trợ mới của chúng tôi vừa tiễn xong mẹ Lý Mai về. Lão nghe thấy lời tôi nói, liền quở mắng: “Thương cho tấm lòng của những bậc cha mẹ trong thiên hạ! Một thằng bé vẫn chưa khôn lớn như cậu thì biết gì chứ!”

 

Tôi và Lưu Ly không dám tiếp lời, chỉ cất nhanh bước đánh bài chuồn, chỉ sợ đi chậm một chút sẽ bị lão gọi lại giáo huấn, mở một lớp riêng cho chúng tôi ngay tại chỗ để tăng cường văn minh tinh thần.

 

Mấy ngày nay, những người trong nhà Lý Mai cũng chỉ có mẹ Lý từng đến thăm chị, đưa cơm mang áo cho chị. Tôi vốn nghĩ rằng ít nhất Lý Nhiễm cũng sẽ đến thăm chị cô, nhưng kết quả là một lần cũng không.

 

 

Chương 71

 

Đến ngày thứ bảy, Lý Mai đã không khóc nữa.

 

Dù cho chúng tôi có hỏi đến những vấn đề gay gắt hay mang tính thăm dò, chị ta cũng không khóc nữa.

 

Phản ứng của chị ta gần như có thể nói là bình tĩnh, mặt không cảm xúc. Có điều trông chị nhợt nhạt hơn, tiều tụy hơn, hệt như một con tò he được nặn bằng bột mì mà giờ đây đang dần dần khô quắt héo rút thành một khối.

 

“Lúc đầu, quả thật tôi muốn làm người vợ tốt của anh ấy…” -Chị nói rì rầm: “Tôi biết tôi không xứng với anh ấy. Anh ấy và tôi cứ như người của hai thế giới khác biệt. Anh ấy không có gì để nói với tôi, tôi không trách anh ấy, không ép anh ấy… Tôi dọn dẹp nhà cửa thật ngăn nắp sạch sẽ. Tôi tham gia lớp nấu nướng và học làm cơm. Tôi biết anh ấy kiếm tiền rất vất vả, nên tôi không tiêu pha bừa bãi tiền của anh ấy bao giờ. Thậm chí đến bố mẹ mình, tôi cũng không dám lén lút cho tiền bừa bãi… Tôi không biết bị làm sao nhưng anh ấy vẫn không thích tôi…”

 

Chúng tôi hỏi gì chị đáp nấy, đôi khi có chút giống như đang lẩm bẩm một mình. Tình trạng tinh thần của chị bắt đầu khiến chúng tôi lo lắng, cứ như là đã cạn kiệt sinh khí. Ánh mắt của chị, nét mặt của chị, lời nói của chị tựa như hư không. Chị ta chẳng đau buồn nữa, cũng chẳng lo âu nữa.

 

“…Hồi mới cưới, anh ấy đối xử với tôi cũng tạm…. Cũng tạm có nghĩa là lúc tốt lúc tệ. Anh ấy rất đa cảm. Đôi khi anh ấy tốt với tôi. Tôi nhận ra trong anh có một sự thôi thúc. Tuy tôi không biết là chuyện gì đang xảy ra, nhưng thực sự khiến tôi vừa mừng vừa lo… Nhưng đôi khi anh ấy rất cáu bẳn, sẽ la ó tôi, bảo tôi cút… Tôi biết áp lực công việc của anh ấy rất lớn mà tôi thì không thể đỡ đần cho anh ấy được, nên làm chỗ trút giận một chút cũng không sao… Vẫn đỡ hơn sự hờ hững mà anh ấy dành cho tôi sau này…”

 

“Chuyện sữa… Phải rồi, đấy là thói quen sau khi cưới mới có của chúng tôi. Bấy giờ tôi vẫn chưa quen với cuộc sống mới cho lắm, về đêm thường hay mất ngủ. Sau đó Tín Như nghe bảo uống một cốc sữa trước khi đi ngủ có vẻ có ích, anh ấy liền bảo tôi mỗi đêm trước khi đi ngủ uống một cốc. Song, chuyện của bản thân tôi mà tôi lại thường xuyên quên khuấy, nhưng anh ấy mỗi đêm trước khi đi ngủ đều đưa cho một cốc sữa cho tôi. Cứ thế, mãi cho đến khi thành thói quen… Bất kể chúng tôi cãi nhau dữ dội đến đâu, hễ tôi uống cốc sữa đó là trong lòng sẽ có sự hồi chuyển, tôi nghĩ anh ấy còn nhớ cho tôi cốc sữa đó, xem như vẫn còn một chút tình nghĩa với tôi…”

 

“Mười năm vợ chồng…”

 

Chị lấy ngón tay che mắt, nhưng chúng tôi đều biết đấy không phải là khóc.

 

Chị đã không khóc nữa.

 

Có lẽ chị bảo mệt rồi, có lẽ mắt chị khô khốc, chị chỉ muốn nghỉ ngơi một lúc.

 

“Chuyện của Lý Nhiễm… tôi không biết ngay từ đầu… Có lẽ, nếu tôi muốn tin, muốn biết, tôi sẽ lập tức hiểu ngay được. Thế nhưng, có lẽ trong tiềm thức của tôi luôn kháng cự không muốn biết. Anh nói làm sao tôi có thể tin chồng mình và em gái ruột của mình…”

 

Nói đến chuyện Lý Nhiễm, giọng nói của chị vẫn bình tĩnh như nước sông chảy chậm.

 

“Từ nhỏ tôi đã rất cưng đứa em gái này của mình. Tôi cảm thấy nó hoạt bát thông minh, nó học rất giỏi, năm nào cũng thi được học sinh ưu tú. Lúc đó, tôi cảm thấy những ưu điểm mà tôi không có nó đều có cả. Tôi rất ngưỡng một nó. Có thể nói, tôi rất ngưỡng mộ loại người như nó, không chịu thua, tự tin, cáu kỉnh. Thế nên tôi luôn nhường nhịn nó. Có đồ gì ngon, có đồ gì chơi, lúc nào nó cũng chiếm lấy. Lúc Tết nhất, mẹ chỉ may quần áo mới cho nó, không may cho tôi. Vì bà biết nếu Tiểu Nhiễm không có quần áo mới thì sẽ khóc sẽ làm ầm lên. Còn tôi, từ nhỏ họ đã toàn bảo tôi là một đứa trẻ hiểu chuyện. Mà những đứa trẻ hiểu chuyện thì không bao giờ khóc lóc hay làm ầm lên hay đòi người lớn món này món nọ. Cứ như là những đứa trẻ hiểu chuyện thì không có ham muốn vậy. Thời gian lâu rồi, chính tôi cũng không xác định được mình có thực sự thích một thứ nào đó không, mình có thực sự khát khao thứ gì không. Có lẽ thứ gì tôi cũng có thể từ bỏ.”

 

“Thế nhưng Tiểu Nhiễm đòi Tín Như với tôi… Lần này, tôi biết bằng bất cứ giá nào cũng không thể buông tay. Lần đầu tiên tôi biết chỉ có Tín Như là tôi không muốn buông tay… Yêu? Tôi không biết tôi có yêu anh ấy không. Chúng ta chỉ là những con người bình thường, chứ không phải đang đóng phim, làm gì có chuyện hở cái là nói yêu với không yêu đâu chứ… Thế nhưng, Tiểu Nhiễm lần này thực sự đã rất quá đáng, rất quá đáng… Cho dù Lý Tín Như có yêu người phụ nữ khác cũng không khiến tôi đau lòng như lúc này. Tôi uống thuốc an thần không phải là để dọa dẫm ai. Lúc ấy, tôi thực sự cảm thấy sống cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa, ai cũng có thể ức hiếp tôi, ai cũng có thể chà đạp tôi, đến chính em gái tôi cũng không tha cho tôi! Bấy giờ tôi mới nhận ra trước kia cái gì tôi cũng nhường nhịn Tiểu Nhiễm không phải vì tôi thích nó, mà vì tôi vẫn luôn nhịn nó. Tôi đã nhịn nó cả đời! Tôi thực sự muốn chết quách đi cho rồi.”

 

 

Chương 72

 

Chị cứ nói theo ý mình.

 

Đối với những việc như những gì mình nói sẽ gây ra ảnh hưởng gì đến tình hình vụ án, có lợi hay bất lợi cho mình, dường như chị không hề quan tâm nữa.

 

“… Lạ lắm, lúc đó tôi không hề nghĩ quá nhiều đến Tín Như. Thỉnh thoảng có nghĩ đến anh ấy thì cũng chỉ là nghĩ đến sau khi tôi chết chắc Tiểu Nhiễm sẽ kết hôn với Lý Tín Như. Cả đời nó cũng sẽ mang trên lưng nghiệp chướng bức chết chị để lấy anh rể. Bề ngoài nó tỏ ra chẳng bận tâm gì, nhưng đến lúc đấy thì nó sẽ bận tâm thôi. Sau khi nó vừa lòng thỏa dạ, sau khi nó nhận ra lấy Lý Tín Như hóa ra cũng chỉ có thế thì nó sẽ bận tâm thôi. Lúc ấy nó sẽ nhớ đến tôi, nhớ đến người chị luôn cưng chiều nó nhường nhịn nó mà cuối cùng vẫn bị nó bức chết này. Liệu nó có run rẩy khi ngủ trên giường của tôi không?”

 

Lý Mai cười. Nụ cười đó cũng chẳng giống nụ cười. Vì cho dù khi cười, trông chị vẫn không có cảm xúc.

 

So với những tổn thương mà Lý Tín Như gây ra cho chị thì những tổn thương mà Lý Nhiễm gây ra hiển nhiên còn mãnh liệt hơn nhiều.

 

“Ác độc lắm phải không? Nhưng chẳng phải các anh muốn nghe nói thật sao? Đây chính là những lời thật lòng của một kẻ sắp chết. So với những gì mà kẻ ép cô ấy tìm đến cái chết đã làm thì chút suy nghĩ này có là bao đâu nhỉ?”

 

“Nhưng chẳng biết tại sao tôi lại không chết. Tôi lại được cứu sống rồi.”

 

“Nhìn mẹ khóc sưng cả mặt khóc khàn cả giọng ở bên cạnh mình, tôi cảm thấy mình có lỗi với bà. Trước giờ bà vẫn luôn yêu thương tôi, tôi biết. Trên đời này, sẽ không bao giờ có ai yêu tôi một cách không vụ lời, một cách hết mình như mẹ vẫn từng yêu nữa, nhưng tôi chỉ mãi nghĩ đến chuyện của mình. Tôi có lỗi với bà ấy, tôi chưa bao giờ cho bà ấy sống một ngày sung túc nào.  Ngày xưa tôi vì Lý Tín Như mà bạc đãi cả gia đình mình, bây giờ tôi lại vì cô em gái nhẫn tâm của mình, tôi lại để mẹ lo lắng như vậy, đau khổ như vậy. Thế nên, về sau khi ông bố hám tiền của mình đề nghị bắt Lý Tín Như bồi thường, tôi đã đồng ý. Xem như là vì mẹ. Tôi cũng muốn cho bà sống thoải mái một chút vào những năm cuối đời.”

 

“Người ta nói cách nhìn thế giới của những người đã từng chết đi sống lại đều sẽ thay đổi. Tôi nghĩ đấy là thật. Sau khi tôi quay về bên cạnh Tín Như, bất kể anh ấy làm gì, tôi cũng thực sự không quan tâm nữa. Tôi chỉ muốn sống hết cuộc đời của mình một cách yên ổn. Tôi chỉ xem mình là một người sống trong ngôi nhà đó. Còn anh ấy chẳng qua là một chiếc bóng, một người tạm trú. Anh ấy thích về thì về, thích ăn cơm thì ăn cơm. Tôi làm tròn bổn phận của tôi, tôi không muốn quản anh ấy, không muốn bận tâm những chuyện vớ vẩn của anh ấy và cô gái tên Khiết Khiết nọ… Tại sao tôi không li hôn? Nói thật thì tôi làm nội trợ đã mười năm, tôi đã không biết làm gì ngoài nội trợ nữa. Thực ra tôi rất thích làm nội trợ. Lúc rửa chén lặt rau là lúc tôi cảm thấy an tâm nhất. Tôi rất hài lòng với cuộc sống của mình hiện giờ và không muốn thay đổi nữa. Người ta bảo tôi dại, mọi người đều lo lắng cho tôi, vì một khi Lý Tín Như lại đề nghị li hôn -chúng tôi đều biết sớm muộn gì anh ta cũng đề nghị thêm lần nữa- thì cuộc sống sung túc của tôi sẽ kết thúc, giấc mộng đẹp của tôi cũng sẽ kết thúc. Nhưng tôi vẫn không nôn nóng. Hôm nay có rượu nay hôm nay say, chuyện của ngày mai thì cứ để ngày mai tính… Đến lúc đó liệu tôi còn sống không cũng chưa chắc mà. Dù sao thì tấm mạng này của tôi cũng là nhặt về. Kết quả là chuyện đời khó đoán, có đúng không?”

 

Chị ngẩng đôi mắt mệt mỏi lên, bình tĩnh nhìn lướt qua tôi và Lưu Ly.

 

Trong ánh mắt của chị hoàn toàn không có sự gian ác hay đắc ý nào. Hệt như một đôi mắt cừu mà tôi từng nhìn thấy, ôn thuần, tĩnh lặng, không có ham muốn và không có bất cứ cảm xúc nào.

 

Lần này, tôi không cách nào tiếp nhận ánh mắt của chị. Tôi không biết cảm giác của Lưu Ly thế nào, nhưng không biết nguyên nhân gì mà tôi cảm thấy rõ rệt sự chấn động.

 

Gửi yêu và thương đến AIGV ❤

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s