[Bức chân dung để dở] Chương 1

Vương Diệu… Vương Diệu… đọc đi đọc lại đều thấy nghe “phê” hơn Wang Yao ;_;

Mở đầu

Имя твоё неизвестно. Подвиг твой бессмертен

Tên họ của các anh không ai biết, chiến công của các anh mãi mãi trường tồn

——Hồng trường Moscow, Đài tưởng niệm chiến sĩ vô danh

1.

“Sao chúng ta không đi hỏi giáo sư Braginsky đi?”

Để chào mừng 66 năm thắng lợi của cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, học viện mỹ thuật Moscow đang lên kế hoạch tổ chức một buổi triển lãm tranh. Có thể thấy, thầy và trò đều có một sự nhiệt tình cao trong việc sáng tác. “Nhưng mà vẫn còn thiếu một bức tranh chân dung.” Viện trưởng Vasilenko nói, “Tất nhiên, tranh chân dung tham gia triển lãm cũng không ít, nhưng người vẽ tranh suy cho cùng cũng chưa từng trải qua cuộc chiến…”

Đúng vậy, cần một bức chân dung người lính thật sự gây rung động lòng người: Tác giả phải là người yêu dấu nhất của nhân vật chính, cho thấy nỗi đau và sự nhiệt tình chân thật nhất của đối tượng trong thời kỳ chiến tranh… Phải chi tác giả đã thực sự vai kề vai chiến đấu cùng với chính đối tượng thì mọi chuyện đã dễ dàng hơn rồi. Chính viện trưởng cũng đã thử qua việc này, nhưng ông chưa bao giờ thấy hài lòng. Dù sao thì, khi chiến tranh kết thúc, ông ấy mới bảy tuổi.

“Không phải giáo sư Braginsky đang vẽ một bức chân dung sao ạ?” Một học sinh đề xuất cho viện trưởng.

Đúng vậy, nói đến chuyện Chiến tranh Vệ quốc, trong học viện này không ai có thể có xúc cảm hơn được vị giáo sư Ivan Braginsky 90 tuổi. Ông là giáo sư duy nhất còn sống đến giờ trong số những người đã từng tham gia vào tiền tuyến. Lúc chiến tranh mới nổ ra, ông rời trường khi còn đang học năm hai và tình nguyện tham gia quân đội, trải qua bốn năm tiếp theo của thời chiến tranh ở tiền tuyến. Sau chiến thắng, ông trở lại lớp học, vì thành tích xuất sắc mà ở lại làm giáo viên. Mấy mươi năm qua, Ngày Chiến thắng hàng năm, vị cựu binh lớn tuổi đầy tự hào này sẽ mặc vào bộ quân phục cũ đã được cọ rửa sạch sẽ, trước ngực treo đầy hơn 10 tấm huân chương, bước đi trang nghiêm mà trầm tĩnh trước các cặp mắt kính nể của những học sinh trẻ tuổi.

Hiện tại thì ông đã nghỉ hưu ở nhà, nhưng vẫn khoẻ mạnh và đầy sức sống như xưa. Mỗi khi các học sinh đến tìm ông để xin được chỉ dạy thì luôn phát hiện giáo sư đang ở trước chân dung của một người lính trẻ. Bức tranh này đã vẽ rất lâu rồi, nhóm học sinh đầu tiên của Braginsky sau khi ông trở về từ tiền tuyến cũng đã thấy qua – viện trưởng Vasilenko cũng là một trong số đó. Cứ như vào lúc đầu tiên khi bắt gặp bức tranh đó, lúc vẫn còn là một sinh viên đại học, Vasilenko đã bị nó làm rung động sâu sắc: Bức tranh vẽ một người lính tuổi còn trẻ, mái tóc đen tuyền, trên khuôn mặt là những đường cong dịu dàng đặc trưng của người Đông Á, tràn đầy khí chất cao quý mà dũng cảm của người thanh niên. Khoé miệng thanh tú mà kiên định mang đến một cảm giác khắc khổ và dịu dàng, đặc biệt đối với những ai đã kinh qua ngọn lửa chiến tranh. “Thật là một bức chân dung động lòng người.” Nhiều thập niên sau, cho dù đã trở thành viện trưởng học viện mỹ thuật thì khi vừa nhớ tới, Vasilenko vẫn không thể ngăn mình ca tụng, “Giáo sư Braginsky chưa bao giờ vẽ mắt cho người thanh niên, nhưng dù cho đây là một bức chân dung còn dang dở, ta vẫn có thể thấy được linh hồn tuyệt đẹp của người thanh niên này…”

“Đây là một người Trung Quốc, đồng đội ở tiền tuyến của thầy.” Mỗi lần đối mặt với những câu hỏi hiếu kỳ, Ivan Braginsky luôn trả lời như vậy, “Chiến tranh vừa kết thúc đã trở về nước.”

Mấy thập niên qua, giáo sư Braginsky đã vẽ ra rất nhiều đôi mắt sinh động, nhưng ở bức tranh chân dung người lính trẻ này, dưới trán vẫn luôn là một một mảng tối, không thì tác phẩm này đã sớm có thể trở thành danh tác truyền về đời sau rồi. Chuyện này trở thành một điều bí ẩn trong học viện mỹ thuật. Về sau, lại có một câu chuyện kỳ quái về bức chân dung được truyền ra: theo như các học sinh gần đây xem qua bức chân dung nói thì: chiếc dây chuyền nhỏ hình ngựa trắng mà giáo sư Braginsky đã vẽ thêm lên cổ của người trong bức tranh – giống như đúc với chiếc trên ngực thầy.

Để xin giáo sư Braginsky hoàn thành tác phẩm này, các học sinh đã đi đến nhà của ông. Lúc họ đứng trước bức tranh, dù bức chân dung không có mắt nhưng linh hồn của người chiến sĩ trẻ dường như trong nháy mắt đã cuốn lấy con tim của những người trẻ tuổi lớn lên trong thời bình này…

“Các chàng trai thân mến, thật xin lỗi, thầy không thể vẽ mắt của người này được…” Giáo sư tóc bạc như một đứa trẻ nói, “Nhìn xem, thầy đã cố gắng trong mấy thập niên qua rồi…”

Đúng lúc này, một học trò gần như tự nói với mình, thấp giọng: “Chính là người này, em đã thấy…”

Giáo sư với một sự khẩn thiết không mấy khi gặp ở người lớn tuổi, chợt nắm tay cậu học sinh:

“Em nói gì?!”

“Trước đây khi 3 tuổi em sống tại thôn bạch dương cạnh sông Volga.” Người học sinh nói, “Lúc mới có thể ghi nhớ mọi việc, thì em đã nhớ khuôn mặt người Trung Quốc này rồi…”

“Thật ư? Em nói thật sao chàng trai?” Giọng nói lớn bất thường của giáo sư Braginsky ngắt lời người học sinh, sau đó lập tức thấp giọng lại, “Không thể nào… 66 năm trước Vương Diệu đã trở về nước rồi… Hơn nữa, lúc em nhìn thấy cậu ấy, cũng phải là một lão già rồi chứ…”

“Em không biết người kia tên gì.” Cậu học trò sợ hãi trả lời, “Năm đó em mới 3 tuổi, cũng không nhớ rõ gặp người này trong dịp gì. Nhưng em lại nhớ kỹ gương mặt này.” Giọng nói của cậu học trò bắt đầu trở nên kiên định, “Chính là trẻ như thế này, nét mặt và hình dáng cùng khuôn mặt cũng đầy sức cuốn hút y như thế, lại là một người Trung Quốc, cho nên dù em còn nhỏ như vậy mà vẫn nhớ kỹ.” Giọng nói của cậu đáng tin đến không ngờ, cho nên những người khác tuy rằng hoang mang khó hiểu, cũng đều không cho rằng cậu đang nói dối.

Trong ánh mắt già nua của giáo sư Braginsky dường như có một ngôi sao vừa chậm rãi vụt qua. Phát hiện ra sự băn khoăn xao động của giáo sư, các học sinh lễ phép chào tạm biệt: Bọn họ cần phải trở về, mong giáo sư có thể tận lực hoàn thành bức chân dung này, để góp phần thêm gấm thêm hoa cho triển lãm tranh mừng 66 năm ngày thắng lợi.

Khi trong phòng chỉ còn lại mình mình, Ivan Braginsky lớn tuổi run rẩy bước đến trước bức chân dung. Ông chậm rãi vươn đôi tay thô ráp tựa như vỏ cây tùng của mình, cứ như đang đối xử với người mình yêu dấu nhất, nhẹ nhàng vuốt lên khuôn mặt anh tuấn của người trong bức tranh, một giọt nước mắt trong suốt chậm rãi chảy xuống theo đường nét trên gò má nhăn nheo, rơi lên một chiếc dây chuyền hình ngựa trắng – giống y như chú ngựa trắng trên ngực người trong tranh…

“Diệu, là em sao?” Giáo sư khản tiếng hỏi, dừng lại tại mảng đen dưới trán người trong tranh, “Tha lỗi cho tôi, tôi chưa từng quên đi ánh mắt của em, tôi biết cách vẽ bức tranh, nhưng lại không thể vẽ được, em biết đó… Tôi sống đến từng tuổi này, sao mà còn tin tưởng lời nói hoang đường như vậy – em chưa từng về nước, em đã sống bên cạnh sông Volga… Nhưng lại còn trẻ như thế…”

“Ông!” Cháu gái Lyenochka chẳng biết từ lúc nào đã đứng bên cạnh Braginsky, hiểu chuyện cầm tay ông, “Ông, cháu ở phòng bên cạnh, có nghe được… Ông lại nhớ đến vị bằng hữu người Trung Quốc kia ư? Cháu cùng ba và mẹ sẽ đưa ông đến thôn bạch dương nhé, để ông có thể gặp lại người ấy…”

Khi xe lửa chở Ivan Braginsky và người nhà của ông chậm rãi ra khỏi Moscow, vị giáo sư mỹ thuật kiêm cựu chiến sĩ hết lần này đến lần khác an ủi mình: Cho dù tìm không được Vương Diệu cũng không sao – làm sao có thể có chuyện vĩnh viễn giữ gìn thanh xuân được? Ông chỉ nhân lúc cơ thể còn khoẻ mạnh để đi dạo một chút ở thôn bạch dương nằm cạnh sông Volga thôi, và có lẽ để tìm nguồn cảm hứng mới – dù sao, ở thời chiến, cũng từng chiến đấu ở thôn bạch dương…

Ivan say mê ngắm nhìn cánh đồng cỏ xanh bất tận bay vút qua cửa sổ xe. 70 năm trước, trong cái năm 1941 khó khăn, ông cùng các đồng chí thân yêu đã từng ở nơi này liều mình bảo vệ Moscow… Sau cuộc chiến, ông thường quanh quẩn ở những nơi đã xảy ra chiến tranh Moscow để vẽ thực. Có nhiều cảm hứng hay không cũng chẳng quan trọng, quan trọng là ông lại có thể đi qua mảnh đất nơi ông và Vương Diệu từng sánh vai nhau cùng chiến đấu, nơi đó mỗi một tấc đất và thân cây đều nhớ kỹ dáng vẻ tuổi thanh xuân của họ, nhớ kỹ từng li từng tí ký ức mà họ đã sẻ chia với nhau…

…Cũng như hiện tại ông đang hướng về thôn bạch dương bên cạnh Volga, đi tìm Vương Diệu…

-Hết chương 1-

Advertisement

2 thoughts on “[Bức chân dung để dở] Chương 1

  1. Pingback: [Đồng nhân APH - RoChu] Bức chân dung để dở | AIGV Team

  2. Pingback: [ML] Bức chân dung để dở | AIGV Team

Gửi yêu và thương đến AIGV ❤

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s